Kính gửi: Quý vị phụ huynh
Tháng 10 là thời kì cao điểm của kiến ba khoang trên toàn quốc nói chung, Hà Nội nói riêng. Đây là thời điểm đốt rơm, rạ của người nông dân khu vực ngoại thành, khiến kiến ba khoang không còn chỗ trú ngụ nên theo ánh sáng đèn bay vào các khu dân cư.
Trước những nguy hiểm từ kiến ba khoang, trường Genesis xin được thông báo đến phụ huynh một số biện pháp phòng tránh sự xâm nhập của loài côn trùng này để đảm bảo sự an toàn cho các con học sinh:
– Vệ sinh nhà cửa, phòng ở sạch sẽ
– Hạn chế sử dụng các ánh sáng xanh/ trắng, thay thế bằng các bóng đèn vàng
– Hạn chế mở cửa, nên kéo cửa lưới chống côn trùng
– Trước khi đi ngủ, kiểm tra lại chăn, gối và giường
– Tuyệt đối không dùng tay trần bắt kiến ba khoang. Trong khi tiếp xúc với kiến ba khoang, cần sử dụng các vật trung gian như khăn, giấy, găng tay,…
– Khi bị kiến ba khoang cắn, nhanh chóng lấy nước rửa sạch phần tiếp xúc, hạn chế tổn thương lây lan
Hiện nay tại Trường Genesis, nhà trường cũng đã thực hiện các biện pháp trên. Quý phụ huynh vui lòng tìm hiểu thêm các thông tin về kiến ba khoang, cùng tác hại và cách phòng tránh chi tiết trong tài liệu đính kèm thông báo này.
Nhà trường xin được thông báo để quý phụ huynh nắm được thông tin và cùng chung tay chăm sóc sức khỏe các con.
CÁC THÔNG TIN VỀ KIẾN BA KHOANG, NHẬN BIẾT KHI BỊ CẮN VÀ CÁCH XỬ LÝ
1. Kiến ba khoang là gì?
Kiến ba một loại bọ cánh cứng, có thân hình thon dài như hạt thóc, kích thước từ 1.5 – 20mm, bụng có đốt, thon nhọn về đuôi, có một đôi cánh cứng. Chúng bay và chạy rất nhanh. Về màu sắc, chúng có màu cam tối, vùng bụng trên và đầu đen, vùng bụng giữa phát quang.
Cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố, tỉ lệ độc vào khoảng 20%. Độc tính trong loài côn trùng này rất mạnh nên ngay cả khi chúng không đốt người thì chất độc trong cơ thể chúng phóng ra khi bị chà xát, tác động vẫn làm tổn thương da của con người nghiêm trọng.
2. Nhận biết khi bị kiến ba khoang cắn:
– Xuất hiện ở các vùng da hở trên cơ thể như mặt, hai cánh tay, cổ, cẳng chân, tùy vào vị trí tiếp xúc mà gây ra thương tổn ở các vị trí khác nhau trên cơ thể
– Vết thương thành vệt dài hoặc đám. Ban đầu là nốt ban đỏ rồi sưng lên thành mụn mủ có điểm lõm trắng vàng ở giữa
– Nếu không xử lý đúng cách, có thể bị loét, rỉ dịch và lan sang các vùng da xung quanh
– Cảm thấy đau rát, ngứa ngáy, khó chịu, một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch.
3. Tác hại:
– Độc tố trong cơ thể kiến ba khoang gây viêm da, tạo ra cảm giác ngứa rát.
– Khi trở nặng, vết thương sưng, phồng rộp và nhiễm trùng
– Khi bị tổn thương nặng, người bệnh có thể bị bội nhiễm và gặp nhiều biến chứng
– Thương tổn ở vùng mắt không được xử lý đúng cách có thể gây bỏng mắt, dẫn đến mù tạm thời
4. Cách xử lý:
4.1. Khi gặp kiến ba khoang:
– Không trực tiếp dùng tay bắt, giết, miết kiến ba khoang mà phải sử dụng các công cụ trung gian như giấy, khăn mềm…
– Nếu kiến ba khoang đậu lên da, hãy thổi hoặc đặt một tờ giấy để kiến bò lên và lấy ra khỏi người
4.2. Khi dính phải nọc độc của kiến ba khoang:
– Nhanh chóng lấy nước sạch rửa chỗ tiếp xúc,sau đó rửa bằng xà phòng, tuyệt đối nhẹ nhàng hạn chế tổn thương lây lan
– Tránh gãi hay chà mạnh vết thương
– Nhanh chóng bôi hồ nước (có bán ở các hiệu thuốc)
– Khi các vết đốt có dấu hiệu phồng rộp, chuyển mụn mủ, lở loét, nhiễm khuẩn, đến ngay bác sĩ để được điều trị hợp lý
– Không tự ý mua các loại thuốc điều trị, thuốc bôi da không có chỉ định của bác sĩ