Xây dựng văn hóa đọc cho trẻ – Khởi đầu của sự phát triển toàn diện

Ngày đăng 08/12/2021
Biên tập Biên tập:

Một trong những công cụ giúp con phát triển về ngôn ngữ, tư duy, trí tưởng tượng và kỹ năng dễ tìm và áp dụng nhất trong cuộc sống chính là sách. Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh: Trẻ được tiếp cận sớm với sách, truyện có trí tưởng tượng phong phú, tư duy ngôn ngữ mạch lạc, rõ ràng và kỹ năng giao tiếp xã hội dần hoàn thiện từ nhỏ.

Kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo

Lý do các nhà khoa học khuyến khích trẻ đọc sách thay vì xem ti vi vì đọc sách đòi hỏi nhiều năng lượng từ não nhiều hơn. Khi trẻ đọc sách, các giác quan được kết hợp, tạo ra sự kết nối giữa tư duy ngôn ngữ và tư duy trực quan khi quan sát hình ảnh.

Bên cạnh đó, với trẻ nhỏ, hình ảnh minh họa là công cụ đủ để trẻ hiểu nội dung câu chuyện nhưng vẫn đủ độ “tĩnh” để trẻ tự do tưởng tượng. 

Ví dụ, trong cuốn “Chuột Típ không muốn mẹ đi làm”, có một trang truyện có hình ảnh minh họa là chuột mẹ thì rất vui vì tìm được công việc còn Típ thì buồn vì việc này. Trẻ có thể tượng tượng ra là bạn chuột Típ buồn rầu đi vào bếp rồi bỗng dưng thấy một đĩa đồ ăn và chuột Típ quên béng mất nỗi buồn (và cuốn sách thì chẳng hề nhắc đến chi tiết này chút nào cả!).

Dù bố mẹ đã đọc một quyển truyện cho trẻ nhiều lần, trẻ biết rất rõ nội dung câu chuyện. Nhưng trong những hoàn cảnh đọc truyện khác nhau cùng với những câu hỏi gợi mở từ bố mẹ, trẻ có thể tạo ra rất nhiều những câu chuyện thú vị mà bố mẹ sẽ phải bất ngờ!

Mở rộng vốn từ, phát triển tư duy và kỹ năng ngôn ngữ

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường giao tiếp với một lượng từ vựng có thể bị giới hạn và lặp lại như đi học, đi làm ra sao, bữa ăn gia đình thế nào… Đọc sách chính là cách giúp trẻ mở rộng vốn từ vựng, xây dựng cách diễn đạt khi nhỏ và hình thành phong cách viết khi đi học với các chủ đề đa dạng từ cuộc sống thường ngày, khoa học, lịch sử, xã hội…

Bên cạnh đó, đọc sách không đơn thuần giúp trẻ tăng khả năng tiếp nhận thông tin (đọc hiểu) mà còn giúp trẻ hình thành khả năng truyền đạt thông tin thông qua việc giao tiếp với bố mẹ, người thân trong gia đình hoặc bạn bè khi trẻ kể lại câu chuyện đó.

Tăng cường kiến thức

Sách là kho tàng kiến thức lớn lao của nhân loại. Trẻ sớm được tiếp xúc với sách cũng chính là sớm được tiếp xúc với kho tàng kiến thức quý giá được bao thế hệ nghiên cứu và tích lũy.

Đặc biệt, với sự phát triển của xã hội hiện nay, sách được viết với nhiều chủ đề, nhiều hướng tiếp cận khác nhau phù hợp với sở thích và độ tuổi của độc giả. Càng đọc nhiều sách, trẻ sẽ phát hiện ra thế giới xung quanh thật rộng lớn với vô vàn những điều thú vị để khám phá. Và còn gì tuyệt vời hơn khi những kiến thức trong những trang sách dần thẩm thấu vào trẻ mà chính trẻ cũng chẳng nhận ra được mình đã thu được rất nhiều kiến thức về một chủ đề nào đó.

Tăng khả năng tập trung

Tập trung là một trong những kỹ năng cần thiết cho quá trình học tập và làm việc sau này của trẻ. Thông qua việc đọc sách,  trẻ làm quen với việc rèn luyện sự tĩnh lặng cho cả trí não và cơ thể để tập trung vào mục tiêu trong một khoảng thời gian nhất định. Khoảng thời gian tĩnh và tập trung này sẽ tăng dần theo thời gian khi trẻ đã hình thành thói quen, sở thích đọc sách.

Phát triển trí tuệ cảm xúc

Trí tuệ cảm xúc dần đã trở thành một khái niệm quen thuộc đối với xã hội ngày nay. Trong một số lĩnh vực trí thông minh cảm xúc được đánh giá cao hơn cả nhưng kiến thức một người tích lũy được.

Thông qua những câu chuyện từ những trang sách, trẻ biết đến nhiều môi trường sống, nhiều hoàn cảnh sống khác nhau. Cùng với sự hỗ trợ của bố mẹ, trẻ cũng học hỏi được cách ứng xử trong các tình huống mà bản thân chưa có cơ hội trải nghiệm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *