Theo thống kê, trung bình mỗi ngày một người cần đối mặt với ít nhất 5 vấn đề. Chính vì vậy, tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề chính là điều thiết yếu trong cuộc sống của mỗi người.
Với người trưởng thành, đó có thể là các vấn đề về công việc hay cuộc sống còn với trẻ nhỏ, giải quyết vấn đề thể hiện trong những việc như làm sao để đi được đôi tất, xúc cơm ra sao để không bị rơi vãi thức ăn hay tương tác với bạn bè như thế nào…
Tư duy giải quyết vấn đề là hoạt động của não bộ con người thể hiện quá trình sáng tạo giúp con người học hỏi, rèn luyện để có tri thức biết nhận viết vấn đề và cách giải quyết những vấn đề đó. Tư duy logic, tư duy giải quyết vấn đề được rèn luyện ngay từ khi nhỏ và cải thiện trong quá trình tích lũy kinh nghiệm sống giúp cá nhân đó đạt được những thành công vượt trội khi trưởng thành. Với sự phát triển của thế giới 4.0, tư duy logic, tư duy giải quyết vấn đề chính là chìa khóa, đích đến của thế kỉ 21.
Trẻ được rèn luyện tư duy logic và giải quyết vấn đề thông qua những cách sau:
Kích thích sự tò mò, tạo hứng thú khám phá, khuyến khích trẻ đặt câu hỏi
Nếu như bố mẹ luôn gặp những câu hỏi có những từ khóa “tại sao”, “như thế nào”, “ra sao”, “vì sao lại thế” … thì bố mẹ đừng cảm thấy trẻ phiền phức nhé! Tò mò khám phá về thế giới chính là bản năng của trẻ. Thông qua câu hỏi, trẻ nhận biết được thông tin cũng như tích lũy được những kiến thức trong cuộc song hàng ngày. Đây chính là nền tảng cho việc học tập sau này cũng như rèn luyện kỹ năng, tư duy giải quyết vấn đề.
Tại Genesis, học sinh được khuyến khích đặt câu hỏi khi quan sát, tìm hiểu về các sự vật, hiện tượng xung quanh. Bên cạnh đó, với vai trò là người đồng hành, hướng dẫn học sinh, giáo viên kích thích trí tò mò và đam mê khám phá của trẻ qua các câu hỏi mở. Tại đây, mọi câu trả lời của học sinh đều được coi trọng. Đáp án cho một câu hỏi có thể chính xác hoặc không nhưng nếu sự quan sát, cách tư duy của trẻ để có được đáp án đó mới là cách rèn luyện tốt nhất cho não bộ của trẻ.
Học tập qua trải nghiệm, trẻ tự nhận diện vấn đề
Học qua trải nghiệm – “Learning by doing” được đánh giá là một trong những phương pháp học tập tiên tiến, mang lại hiệu quả học tập cao cho trẻ. Không gò bó trong những cách tiếp cận của giáo dục truyền thống, học tập trải nghiệm tạo điều kiện cho trẻ thực hành. Từ đó, trẻ hiểu bản chất vấn đề một cách logic, nhớ kiến thức sâu hơn và ứng dụng vào các hoạt động hay vấn đề tương tự xảy ra với trẻ trong cuộc sống.
Ví dụ: Trong chủ đề “Cuộc sống trên mặt đất”, các bạn nhỏ không chỉ ngồi trong lớp, xem tranh minh họa hay những thước phim nói về các loài động thực vật mà còn được trải nghiệm cách trồng và chăm sóc cây trong vườn trường. Quy trình trồng cây từ đào đất, gieo hạt, lấp đất, tưới cây, các bạn nhỏ đều được thực hiện. Với những trải nghiệm của bản thân, học sinh học được cách tư duy giải quyết những vấn đề như “làm sao để biến hạt giống thành cây” hay “sau một ngày nắng nóng, đất trở nên nứt nẻ thì con cần làm gì để chăm sóc cho cây”.
Tương tác trực tiếp và làm việc nhóm để có cách giải quyết vấn đề tối ưu
Mỗi học sinh sẽ có cách nhìn nhận vấn đề và giải quyết vấn đề theo cách khác nhau. Tuy nhiên, sẽ có những cách giải quyết vấn đề không thực sự tối ưu. Chính vì vậy, hoạt động nhóm và tương tác trực tiếp giúp trẻ có sự lựa chọn giải pháp hữu hiệu nhất cho vấn đề.
Thông qua hoạt động nhóm, trẻ học được cách tương tác, giải quyết sự bất đồng quan điểm với bạn, hình thành kỹ năng giao tiếp, kích thích sự phát triển ngôn ngữ cũng như khả năng tổng hợp để đưa ra kết quả hợp lý nhất. Điều này chính là nền tảng giúp học sinh hiểu về “trí tuệ tập thể” cũng như vận dụng “trí tuệ tập thể” để giải quyết các vấn đề lớn trong công việc và cuộc sống xã hội sau này.
Tư duy giải quyết vấn đề chính là chìa khóa để trẻ luôn vững vàng vượt qua thử thách thay vì trốn tránh, bỏ cuộc khi gặp khó khăn. Bên cạnh đó, tư duy này cũng hỗ trợ học sinh dễ dàng thích nghi với sự thay đổi của cuộc sống đa cực với nhiều biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ – thế giới VUCA mà những công dân toàn cầu của thế kỷ 21 đang phải đối mặt.