Chiều cao của trẻ có phải được quyết định hoàn toàn do yếu tố di truyền? Bố mẹ cần lưu ý những gì để hỗ trợ con phát triển chiều cao tối ưu? Hãy cùng tham khảo những thông tin dưới đây để hỗ trợ tăng trưởng chiều cao tối đa cho trẻ trong các giai đoạn vàng phát triển.
Các giai đoạn vàng tăng trưởng chiều cao
- Giai đoạn thai nhi
Trong những ngày đầu của thai kỳ, cấu trúc xương của trẻ đã dần được thiết lập. Khi thai nhi được khoảng 7 tuần, toàn bộ khung xương đã được hình thành. Sau đó, hệ thống xương sẽ nhanh chóng phát triển trong thai kỳ. Trẻ khi chào đời có chiều dài trung bình khoảng 50cm.
- Giai đoạn 0-2 tuổi
Sau giai đoạn thai nhi, trẻ từ 0-2 tuổi có tốc độ tăng chiều cao đáng kinh ngạc. Cụ thể, trong năm đầu đời, trẻ có thể tăng khoảng 25cm và tăng tiếp 10cm/năm vào hai năm tiếp theo.
Giai đoạn thai nhi đến khi trẻ 24 tháng (hay còn được biết đến là giai đoạn 1000 ngày đầu đời của trẻ) quyết định đến 60% khả năng phát triển chiều cao của trẻ khi trưởng thành.
- Giai đoạn dậy thì
Giai đoạn từ 10 – 15 tuổi được gọi là giai đoạn dậy thì, trẻ có sự tăng trưởng vượt bậc về mọi mặt bao gồm cả chiều cao.
- Đối với bé gái: chiều cao có thể tăng từ 10cm/năm giai đoạn 10 tuổi và tăng dần đến khi đạt được 15cm/năm khi trẻ 12 tuổi. Khi bé gái khoảng 15 tuổi, tốc độ này sẽ giảm dần.
- Đối với bé trai: Tốc độ tăng trưởng là 10cm/năm khi 12 tuổi và đạt tối đa đến 15cm/năm cho đến khi 14 tuổi và giảm dần ở khoảng 17 tuổi.
Giai đoạn này sẽ quyết định đến 23% chiều cao trung bình ở người trưởng thành.
Làm gì để tối ưu hóa phát triển chiều cao cho trẻ
1. Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Theo nghiên cứu khoa học, yếu tố dinh dưỡng ảnh hưởng đến 32% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ. Chính vì vậy, việc áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp, khoa học hỗ trợ rất lớn đến việc đạt được chiều cao tối ưu khi trưởng thành.
Các nhóm thực phẩm hỗ trợ tăng trưởng chiều cao bao gồm:
- Sữa và các chế phẩm từ sữa: Cung cấp canxi, thúc đẩy quá trình phát triển xương và giúp xương trở nên chắc khỏe hơn; cung cấp photpho, magie và protein cần thiết để tăng trưởng cơ bắp.
- Các loại đậu: Cung cấp protein kích thích cơ thể sản xuất hormone tăng trưởng; vitamin B, chất xơ, đồng, magiê, mangan và kẽm: đảm bảo quá trình tăng trưởng bình thường của cơ thể, phòng ngừa các vấn đề sức khỏe khác.
- Rau xanh (cải xoăn, súp lơ xanh, bắp cải…): Cung cấp vitamin C, canxi, sắt, magiê và kali, vitamin K, hỗ trợ tăng mật độ xương và tăng cường chiều cao của trẻ.
- Đạm (thịt, cá, trứng…): Cung cấp protein, vitamin B12, vitamin D và các khoáng chất cần thiết để hấp thụ canxi, duy trì mật độ xương.
- Trái cây tươi các loại chứa nhiều chất xơ, kali, folate và các vitamin thiết yếu, hỗ trợ tăng trưởng chiều cao.
2. Vận động thể chất
Vận động, tham gia các hoạt động thể dục thể thao kích thích, đẩy mạnh quá trình chuyển hóa năng lượng và trao đổi chất. Do đó, cơ thể thúc đẩy tăng trưởng và tăng cường đưa canxi vào mô xương giúp xương dài ra và vững chắc hơn.
Chính vì vậy, các nghiên cứu khoa học đề xuất: mỗi ngày trẻ nên có khoảng 1 tiếng luyện tập, vận động thông qua các công việc trong gia đình hay các hoạt động thể dục thể thao phù hợp với độ tuổi, thể chất, điều kiện sống của trẻ…
3. Ngủ đúng giờ, đủ giấc
Tuy hormone tăng trưởng được tuyến yên liên tục sản xuất trong ngày nhưng với trẻ em, giai đoạn hormone này được giải phóng mạnh mẽ nhất chính là khi trẻ ngủ sâu.
Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (The American Academy of Pediatrics) đưa ra khuyến cáo về thời gian ngủ trung bình trong một ngày theo các nhóm tuổi như sau:
- Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi: 12 – 16 giờ;
- Trẻ em từ 1 đến 2 tuổi: 11 – 14 giờ;
- Trẻ em từ 3 đến 5 tuổi: 10 – 13 giờ;
- Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi: 9 – 12 giờ;
- Trẻ em từ 13 đến 18 tuổi: 8 – 10 giờ.
Chính vì vậy, trẻ ngủ sớm và có chất lượng giấc ngủ tốt sẽ có khả năng phát triển chiều cao tối ưu hơn.
4. Áp lực tâm lý hạn chế phát triển chiều cao ở trẻ
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, trẻ bị căng thẳng kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến hệ miễn dịch và lưu thông máu ở trẻ, gây rối loạn hormone, giảm tăng trưởng chiều cao và tác động đến hệ thần kinh.
Chính vì vậy, bố mẹ nên lưu ý đến việc hỗ trợ trẻ giải tỏa căng thẳng và cân bằng áp lực trong việc học tập và cuộc sống.
5. Môi trường sống xanh, sạch
Trẻ sống trong điều kiện sống ô nhiễm thường có tỉ lệ bị bệnh cao, dẫn đến chậm tăng trưởng thể chất nói chung (trẻ biếng ăn trong thời gian ốm, trẻ gặp các vấn đề về tiêu hóa khi sử dụng thuốc điều trị hay thuốc tác động đến khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể…)
Đảm bảo chất lượng cuộc sống xanh, sạch, đảm bảo sức khỏe thể chất cho trẻ chính là các hữu hiệu để trẻ có thể đạt được chiều cao tối ưu trong tương lai.
Với những thông tin ở trên, bố mẹ hoàn toàn có thể tự tin hỗ trợ con đạt được chiều cao tối ưu nhất có thể khi trưởng thành dù gia đình có ưu thế di truyền hay không.