Phát triển ngôn ngữ cho trẻ từ những câu ca dao

Ngày đăng 25/10/2021
Biên tập Biên tập:

Ngôn ngữ không đơn thuần chỉ đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp mà còn là công cụ tư duy cũng như phương tiện giúp trẻ nhận biết thế giới xung quanh. Đặc biệt, ca dao tục ngữ và những bài đồng dao đem đến hiệu quả lớn trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ.

Có thể nói, ca dao tục ngữ hay những bài đồng dao đã đồng hành cùng trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời qua những lời hát ru hay những trò chơi dân gian. Những câu vè, câu hát ngắn gọn, âm điệu vui tươi, tiết tấu dễ nghe dễ thuộc đã “thẩm thấu” vào trẻ ngày từ khi trẻ còn chưa cất lên tiếng nói.

Từ góc độ nghiên cứu, ca dao tục ngữ và đồng dao giúp trẻ phát triển ngôn ngữ thông qua các nội dung:

1. Giáo dục ngữ âm

  • Rèn khả năng nghe âm thanh ngôn ngữ: Với tiết tấu, âm điệu rõ ràng, các bài ca dao, đồng dao rèn cho trẻ khả năng lắng nghe, ngắt nghỉ nhịp hay nhấn giọng khi đọc ca dao. Bên cạnh đó, trẻ còn hiểu được sắc thái khác nhau của âm thanh như tốc độ, trường độ và cao độ. Và bố mẹ đừng ngạc nhiên khi bé thốt lên “bài này buồn nhỉ” hay “con thích bài ca dao này vì nó vui” bởi sắc thái tình cảm được thể hiện rất rõ trong những bài ca dao.
  • Luyện phát âm: Tiếng Việt là đẹp với thanh điệu đa dạng, tuy nhiên, đó cũng tạo nên một phần khó khăn cho trẻ khi phát âm. Thông qua các bài ca dao, trẻ được luyện phát âm đúng các âm dễ bị ngọng như “l-n” hay thanh điệu dễ nhầm lẫn như thanh hỏi và thanh ngã.
  • Phát triển sự truyền cảm trong lời nói hằng ngày thông qua những bài ca dao, đồng dao với chủ đề gia đình hay tình cảm anh chị em…

2. Hình thành và phát triển vốn từ cho trẻ

Được đúc kết từ những sự vật, hiện tượng trong cuộc sống, ca dao tục ngữ hay đồng dao có thể được coi là quyền từ điển chứa đựng một kho từ vựng phong phú cung cấp vốn cho trẻ, giúp trẻ nhận thức về sự vật, sự việc và hiện tượng tự nhiên xã hội xung quanh. Các loại từ thường gặp trong ca dao, tục ngữ có đầy đủ từ danh từ, động từ, tính từ… giúp vun đắp vốn từ cho trẻ.

Bố mẹ có thể nhẩm xem các bé có thể học được tên bao nhiêu loài chim trong bài đồng dao “Bồ các là bác chim ri” thấy sự kì diệu của thể loại văn học dân gian này nhé!

3. Phát triển lời nói mạch lạc

Một trong những mục tiêu phát triển ngôn ngữ cho trẻ chính là giúp trẻ có khả năng phát âm và diễn đạt. Với sự hỗ trợ của giáo viên và gia đình, trẻ sửa được những lỗi phát âm còn tồn tại, diễn đạt mong muốn, nguyện vọng của bản thân và trò chuyện với bạn bè, người thân…

Bên cạnh đó, các bài đồng dao còn thường gắn liền với các trò chơi dân gian. Thông qua những trò chơi này, trẻ giải thích cho bạn chơi cùng về luật chơi, cách thức chơi, giúp trẻ tăng cường tư duy logic. Đọc đồng dao khi trẻ đang tham gia chơi tạo điều kiện cho trẻ cảm nhận được âm điệu, nhịp điệu, cách ngừng nghỉ một cách tự nhiên. Tất cả mọi thứ được trẻ dần dần tiếp nhận và trở thành vốn kinh nghiệm trong ngôn ngữ của trẻ. 

4. Tăng cường khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng cho trẻ

Với sự thay đổi của cuộc sống ngày nay, có rất nhiều sự vật, sự việc, hiện tượng trẻ khó có cơ hội được trải nghiệm trực tiếp. Tuy nhiên, qua những những câu ca dao tục ngữ, qua những bài đồng dao, trẻ có thể tưởng tượng về những điều mình chưa được trải nghiệm. Chính những câu ca dao tục ngữ, những bài đồng dao đã phần nào giúp trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo của trẻ được bay xa hơn.

Hiện nay, khi nói đến việc tăng cường năng lực ngôn ngữ cho trẻ, không ít các gia đình lại chú trọng vào việc học các loại ngoại ngữ mà quên đi tiếng mẹ đẻ cũng là một phần không thể thiếu trong sự phát triển toàn diện của con. Hy vọng với những thông tin trong bài viết này, các bố mẹ sẽ lưu tâm đến một công cụ phát triển ngôn ngữ hiệu quả, thường thức cho con trong chính cuộc sống hằng ngày.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *