Chúng ta càng sống càng nhận ra rằng thế giới của chúng ta là một mạng lưới ngày càng phức tạp của những kết nối phụ thuộc lẫn nhau. Mỗi sự lựa chọn và hành động của chúng ta sẽ có thể tác động đến mọi người xung quanh, cộng đồng địa phương, toàn quốc gia hoặc toàn thế giới.
Công dân toàn cầu nuôi dưỡng sự tôn trọng bản thân và sự tôn trọng người khác, bất kể họ đến từ đâu. Điều này khuyến khích các cá nhân suy nghĩ sâu sắc và có tính phản biện về sự công bằng và giảm thiểu tối đa tác hại tới hành tinh của chúng ta. Tìm hiểu về chủ đề Công dân toàn cầu giúp người học trở nên tự tin hơn với niềm tin của mình, và có kỹ năng tốt hơn trong việc đánh giá đạo đức và tác động từ các quyết định của họ.
Công dân toàn cầu là gì?
“Một dân tộc quan tâm đến toàn thế giới” – Hannah Arendt
Đã có một cuộc tranh biện và thảo luận lớn quanh câu hỏi này và toàn bộ khái niệm về toàn cầu hóa. Tuy vậy, có một định nghĩa hợp lý hơn cả đến từ Oxfam:
Một công dân toàn cầu là người:
- Có ý thức về thế giới rộng lớn và có nhận thức về vai trò của bản thân như một công dân toàn cầu
- Tôn trọng và trân trọng sự khác biệt
- Có hiểu biết về cách thế giới vận hành
- Cảm thấy bức xúc trước những bất công của xã hội
- Tham gia vào cộng đồng ở nhiều mức độ: từ cộng đồng địa phương đến cộng đồng toàn cầu
- Tự nguyện hành động để biến thế giới thành một nơi công bằng và bền vững hơn
- Có trách nhiệm với hành động của mình
Để trở thành một công dân toàn cầu năng động, người trẻ cần linh hoạt, sáng tạo và chủ động. Họ cần có khả năng giải quyết vấn đề, đưa ra các quyết định, suy nghĩ phản biện, truyền đạt ý tưởng hiệu quả và làm việc thuận lợi trong các đội nhóm. Các kỹ năng và khả năng trên đang dần được công nhận là cần thiết đề thành công trong các lĩnh vực của đời sống thế kỷ 21, bao gồm cả trong môi trường công việc. Các kỹ năng và phẩm chất này không thể phát triển nếu thiếu đi việc ứng dụng phương pháp học tập chủ động mà qua đó học sinh có thể học qua việc trực tiếp làm và bằng cách hợp tác với mọi người.
Tại sao lại cần có Giáo dục Công dân toàn cầu?
“Giáo dục không chỉ truyền tải văn hóa mà còn là một nhà cung cấp các góc nhìn về thế giới và là phương tiện giúp tăng cường các kỹ năng để khám phá chúng” – Jerome S Bruner
Với tính liên kết và sự phụ thuộc lẫn nhau trong thế giới của chúng ta, “toàn cầu” không nằm ở “ngoài kia”; nó là một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, vì chúng ta được liên kết với con người trên mọi châu lục:
- Liên kết xã hội và văn hóa qua truyền thông và các phương tiện viễn thông, và qua du lịch và di cư
- Liên kết kinh tế thông qua giao lưu thương mại
- Liên kết môi trường bằng việc sống chung trên một hành tinh
- Liên kết chính trị qua các mối quan hệ quốc tế và hệ thống quy định
Cơ hội mà thế giới “toàn cầu hóa” không ngừng thay đổi của chúng ta mang đến cho những người trẻ là bao la. Nhưng đồng thời thách thức cũng như vậy. Người trẻ đang được tiếp cận một nền giáo dục có thể trang bị cho họ những kiến thức, kỹ năng và giá trị mà họ cần để nắm bắt những cơ hội và xử lý các thử thách mà họ phải dấn thân, đồng thời, để tạo ra một thế giới mà họ muốn sống ở đó – một nền giáo hỗ trợ sự phát triển của người trẻ trở thành Công dân toàn cầu.
Các phương pháp giáo dục tích cực và thực tiễn cho Công dân toàn cầu và Phát triển bền vững giúp giới trẻ có thể hiểu tầm ảnh hưởng của quyết định của những người ở các khu vực khác trên thế giới lên cuộc sống của chúng ta, cũng như cách các quyết định của họ ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác. Giáo dục cho Công dân toàn cầu và Phát triển bền vững cũng hướng tới tăng sự tham gia của học sinh vào quá trình học tập và đưa ra quyết định bởi những lý do sau:
- Mọi thứ được thực hiện tại trường đều có những thông điệp riêng, vì thế chúng ta cần lấy ví dụ về những giá trị mà chúng ta muốn phát triển. Nếu chúng ta khẳng định niềm tin vào sự bình đẳng giữa người với người và tầm quan trọng của việc đối xử công bằng với tất cả mọi người bằng sự tôn trọng, chúng ta cần đảm bảo rằng các quá trình học tập và mối quan hệ thầy – trò phản ánh và củng cố các giá trị đó.
- Nghiên cứu cho thấy rằng trong các trường học dân chủ cao, học sinh sẽ chủ động hơn trong việc kiểm soát việc học của chính mình và chất lượng học tập – giảng dạy, cùng với đó thái độ cũng tốt hơn.
- Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em khẳng định quyền được lên tiếng của trẻ trong các vấn đề có ảnh hưởng đến chúng.
Lớp học lúc này sẽ được bố trí như thế nào?
“Giáo dục không phải bước chuẩn bị cho cuộc sống mà chính là cuộc sống” – John Dewey
Giáo dục Công dân toàn cầu giải quyết các vấn đề toàn cầu về các mối liên hệ, sự đa dạng bản sắc và văn hóa, sự phát triển bền vững, hòa bình và xung đột và sự bất bình đẳng quyền lợi, nguồn nguyên liệu và sự tôn trọng.
Những vấn đề này đang được đưa vào lớp học thông qua một loạt những phương pháp giảng dạy và học tập với sự tham gia của học sinh, bao gồm các phiên tranh biện và thảo luận theo cấu trúc, đóng vai, các bài tập xếp hạng, và tìm hiểu cộng đồng. Các phương pháp tích cực như trên đang tạo ra thông lệ tốt trong giáo dục nói chung, không chỉ với công dân toàn cầu. Chương trình đào tạo học sinh xuất sắc có cam kết cốt lõi để tăng cường sự tham gia của học sinh nhằm phát triển bốn chức năng: người học thành công, cá nhân tự tin, công dân trách nhiệm và cống hiến hiệu quả.
Điều quan trọng cần để ý là, hơn cả việc thúc đẩy một loạt các câu hỏi, giá trị hay thái độ, giáo dục công dân toàn cầu khuyến khích trẻ em và thanh thiếu niên khám phá, phát triển và thể hiện giá trị và ý kiến riêng (đồng thời yêu cầu các em lắng nghe và tôn trọng quan điểm, góc nhìn của người khác). Đây là bước quan trọng để trẻ em và thanh thiếu niên đưa ra những lựa chọn hợp lý để các em luyện tập cách sử dụng quyền của mình và thực hiện nghĩa vụ (trách nhiệm) với người khác.
Một điều quan trọng nữa là giáo viên ở mọi bậc học không tiếp cận giáo dục công dân toàn cầu với thái độ rằng họ cần nhận lại mọi câu trả lời từ học sinh – điều đó là bất khả thi trong thế giới đang thay đổi rất nhanh này. Vai trò của giáo viên là cho phép học sinh tìm ra thế giới của riêng các em và hỗ trợ học sinh để các em học được cách đánh giá các hiện tượng, đàm phán và làm việc với người khác, giải quyết vấn đề và đưa ra các quyết định sáng suốt.