Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy trẻ em có khả năng vận động hàng giờ liên tục mà hầu như không cần nghỉ ngơi. Điều này là do cơ thể trẻ có cách sử dụng năng lượng khác với người lớn và cũng chính vì cơ chế này, khi trẻ không giải tỏa được năng lượng sẽ cảm thấy rất bức bối.
Vậy, khi trẻ ở trong nhà quá lâu, ba mẹ cần làm gì để giúp trẻ giải tỏa năng lượng, cân bằng hoạt động và cảm xúc? Hãy cùng tìm hiểu qua các thông tin sau đây nhé!
Xây dựng thời gian biểu và giao nhiệm vụ cho trẻ
Việc xây dựng thời gian biểu hoạt động cho trẻ đảm bảo ba mẹ cân bằng được việc ở nhà cùng con và làm việc, hạn chế những căng thẳng do trẻ luôn yêu cầu có sự tham gia của người lớn trong mọi hoạt động.
Để trẻ nhớ và làm theo thời gian biểu một cách vui vẻ, ba mẹ nên cùng con thảo luận và đưa ra lịch trình phù hợp cho con. Một chiếc bảng ghi nhớ được vẽ bằng những màu sắc tươi sáng cùng hình minh họa gần gũi hay một tấm bìa được cắt dán hình ảnh các hoạt động trong ngày sẽ giúp con hiểu về những công việc mình cần làm trong ngày.
Bên cạnh đó, thay vì chỉ đưa cho trẻ những loại đồ chơi có sẵn, ba mẹ hãy hướng dẫn và giao cho con những công việc gia đình cụ thể như cùng ba mẹ tưới cây, lấy gạo, vo gạo, nấu cơm, gấp quần áo, cất quần áo và đồ chơi sau khi chơi xong…
Ba mẹ lưu ý đừng quá cầu toàn khi giao nhiệm vụ cho trẻ. Tuy nhiên, đó chính là những bước đầu để trẻ hoàn thiện kỹ năng của bản thân cũng như cảm nhận được sự tin tưởng của người lớn dành cho mình. Đây cũng chính là nền tảng đầu tiên để trẻ tự chơi, tự học và tự lập sau này.
Thiết lập khung thời gian cho vận động
Vận động là nhu cầu thiết yếu của mỗi đứa trẻ và đây cũng là một trong những điều hạn chế nhất cho trẻ khi ở nhà, đặc biệt là ở chung cư. Chính vì vậy, ba mẹ có thể thêm vào thời gian biểu của con mỗi ngày bài thể dục buổi sáng với các điệu nhảy Zumba dành cho thiếu nhi với các video có thể tìm được trên mạng Internet hay các động tác yoga đơn giản cho trẻ.
Bên cạnh đó, ba mẹ có thể tham khảo một số trò chơi vận động không yêu cầu nhiều về không gian hay phát ra tiếng động lớn có thể gây ảnh hưởng đến hàng xóm như: vượt chướng ngại vật (sử dụng các dụng cụ có sẵn trong gia đình như ghế, chăn, gối… để làm), ném bóng vào sọt, đem trứng về tổ (mang đồ chơi cất về đúng chỗ), nhảy lò cò hay đi thăng bằng…
Giữ thái độ tích cực với trẻ
Một trong những vấn đề ba mẹ thường phải đối diện khi ở nhà cùng con trong thời gian dài và trẻ không giải tỏa được hết năng lượng chính là bản thân người lớn dễ trở nên nóng giận mà trách phạt trẻ. Tuy nhiên, đánh mắng liệu có phải biện pháp giáo dục hiệu quả khi những hành động này khiến trẻ hoảng sợ hoặc trở nên ngang bướng hơn sau này?
Ba mẹ nên nhẹ nhàng phân tích để trẻ nhận ra những lỗi sai của mình và tin tưởng rằng con sẽ tiến bộ từng ngày khi được nhắc nhở đúng cách. Khi năng lượng tích cực từ ba mẹ lan tỏa đến trẻ, trẻ cũng học được cách nhìn nhận sự vật, sự việc xung quanh mình với thái độ lạc quan, tích cực.
Trò chuyện với con mỗi ngày
Nếu ba mẹ chỉ nghĩ đến việc trẻ cần giải tỏa năng lượng đồng nghĩa với việc cho trẻ vận động càng nhiều càng tốt thì nhu cầu giải tỏa năng lượng tâm lý của trẻ đã bị bỏ quên. Trò chuyện, tương tác trực tiếp chính là cách hiệu quả nhất để trẻ thể hiện mong muốn, nhu cầu cũng như chia sẻ những vấn đề của mình cho ba mẹ. Mỗi tối, trước khi đi ngủ, ba mẹ có thể cùng con tổng kết con đã làm được gì trong ngày, trao đổi về kế hoạch ngày hôm sau rồi đọc một câu chuyện trước khi ngủ. Theo các chuyên gia, 20 phút trò chuyện cùng con mỗi tối trước khi ngủ giúp trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ, tăng cường mối quan hệ giữa cha mẹ – con cái và giúp trẻ tăng cường khả năng giao tiếp ngôn ngữ.
Không làm phiền thời gian riêng của trẻ
Ba mẹ hãy dành cho trẻ những khoảng thời gian trẻ có thể tự do chơi theo mong muốn của bản thân. Đừng làm phiền trẻ khi con đang mải mê tô một bức tranh, say sưa xếp hình hay cố gắng đưa cho con một món đồ chơi khác hoặc định hướng trẻ phải chơi theo mong muốn của ba mẹ. Việc dành cho trẻ thời gian riêng này giúp ba mẹ có thời gian làm việc hiệu quả cũng như giúp trẻ tự do sáng tạo, hình thành khả năng tự lập và sắp xếp công việc, giải quyết vấn đề.
Ba mẹ đừng thấy chạnh lòng khi thấy có vẻ con đang “thui thủi chơi” một mình. Nếu trẻ có nhu cầu cần sự hỗ trợ, tham gia của ba mẹ, trẻ sẽ trao đổi và ba mẹ hãy cân đối công việc để hỗ trợ con nhé!
Hy vọng với những thông tin trên, ba mẹ sẽ thiết lập được một lịch trình, thời gian biểu cho con trong những ngày ở nhà, đảm bảo trẻ có thể giải tỏa năng lượng cũng như ba mẹ hoàn thành được công việc bản thân một cách hiệu quả nhất!