Cân bằng cảm xúc – chìa khóa đảm bảo hạnh phúc gia đình

Ngày đăng 25/08/2021
Biên tập Biên tập:

“Ôi, không thể chịu được cái cảnh ở nhà như thế này! Chẳng tập trung làm việc được khi mà con cứ nheo nhéo liên tục.”

“Sao bố mẹ ở nhà cùng con suốt mà còn thấy con chả ngoan được như khi đi học, bướng ơi là bướng, chả chịu nghe lời gì cả!”

“Thật sự là phải kiềm chế để không mắng con hay tét vào mông cho mấy cái, chứ bực không để đâu cho hết bực!”

Bố mẹ có thấy những câu cảm thán ở trên quen thuộc trong những ngày làm việc ở nhà mùa dịch không? Các vấn đề này không đơn thuần xuất phát từ phía trẻ mà còn từ phía bố mẹ khi nếp sinh hoạt có sự xáo trộn và bản thân bố mẹ cũng phần nào mất cân bằng về mặt cảm xúc khi tương tác với con. Vậy làm thế nào để những ngày làm việc ở nhà không trở thành áp lực cho cả gia đình? Bố mẹ cũng tham khảo những cách cân bằng cảm xúc bản thân dưới đây nhé!

Xác định dấu hiệu cáu giận và thông báo cho con

Giận dữ là một phản ứng tự nhiên, nằm ngoài tầm kiểm soát khi cơ thể cảm thấy không khỏe, hoặc tinh thần căng thẳng hay các mục tiêu của bản thân không hoàn thành… Khi nhận diện được mình đang có dấu hiệu mất bình tĩnh, dễ nổi nóng, bố mẹ không cần cố gắng chối bỏ cảm xúc của mình mà nên nhận diện cảm xúc tiêu cực này. Bên cạnh đó, bố mẹ hãy thông báo trước với con để trẻ hiểu và hạn chế làm phiền bố mẹ trong thời gian “nhạy cảm” này. Bố mẹ lưu ý sử dụng âm lượng vừa phải và ngôn từ thích hợp để giải thích cho trẻ hiểu, tránh tình trang trẻ nghĩ bố mẹ nổi nóng là do lỗi của trẻ.

Ví dụ: Mẹ hiểu là con đang rất muốn chơi với mẹ nhưng mẹ đang có nhiều việc và có thể sẽ mất bình tĩnh và dễ nóng giận. Con giúp mẹ tự chơi một lúc, lát nữa, khi mẹ xong công việc, mẹ sẽ cùng chơi với con nhé!

Hít thở sâu và đếm đến 10 khi mất bình tĩnh

Ở nhà cùng với trẻ trong khoảng thời gian dài và làm nhiều công việc song song, bố mẹ đôi khi khó tránh khỏi việc mất bình tĩnh, nặng lời với con và sau đó cảm thấy hối hận về những điều mình đã nói. Để thay đổi tình trạng này, mỗi khi mất bình tĩnh, bố mẹ hãy hít một hơi thật sâu rồi đếm từ 1 đến 10. 

Việc hít thở sâu giúp cơ thể được cung cấp lượng lớn oxy lên não, bố mẹ sẽ thấy bình tĩnh và tỉnh táo hơn để nhận diện vấn đề. Ngoài ra, khi đếm từ 1 đến 10 tương đương 10 giây sẽ làm gián đoạn cảm xúc giận dữ của bản thân và bố mẹ có thêm thời gian để suy nghĩ nên nói gì để không gây tổn thương cho trẻ.

Xây dựng môi trường sống tích cực

Nếu như hai giải pháp phía trên tập trung vào việc xử lý việc cân bằng cảm xúc tại thời điểm cảm xúc diễn ra thì việc xây dựng môi trường sống tích cực là nền tảng để cân bằng cảm xúc “hỉ – nộ – ái – ố”. Trong một môi trường sống xanh, lành mạnh, tỉ lệ căng thẳng, mâu thuẫn, xung đột của mỗi cá nhân sẽ giảm xuống. Chính vì vậy, bố mẹ hãy dành nhiều thời gian bên cạnh những người luôn mang đến những cảm xúc tích cực để cuộc sống của cả gia đình sẽ vui vẻ hơn nhé!

Áp dụng nếp sinh hoạt và lối sống lành mạnh

Làm việc tại nhà đôi khi đồng nghĩa với việc nhịp sinh hoạt của cả gia đình xáo trộn và có phần nào dễ dãi hơn bình thường. Bố mẹ có thể cho trẻ ngủ muộn hơn, dậy muộn hơn cũng như trẻ không có khoảng thời gian vận động nhiều như đi học. Chính những việc này cũng tác động đến thể chất của trẻ nói riêng và cả gia đình nói chung. 

Theo một nghiên cứu được công bố năm 2020 trên tạp chí Sleep, các nhà nghiên cứu đã thống kê được những ngày thiếu ngủ, cơ thể mất cân bằng cảm xúc nhiều hơn những ngày được nghỉ ngơi đầy đủ. 

Chính vì thế, bố mẹ đừng quên áp dụng nếp sinh hoạt và lối sống lành mạnh dù gia đình đi học, đi làm hay ở nhà trong thời gian dài nhé!

Cân bằng cảm xúc là một kỹ năng vô cùng quan trọng với mỗi người để làm cho bản thân cảm thấy hạnh phúc, giải quyết các xung đột, mâu thuẫn trong cuộc sống cũng như phát triển các mỗi quan hệ giữa người với người. Cân bằng cảm xúc trong gia đình cũng hỗ trợ các thành viên sống tích cực và phát triển toàn diện về cả thể chất và tinh thần.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *