Lá thư hơn 3800 chữ cô Sanne- Giám đốc Chương trình Giáo dục xanh- gửi cộng đồng Genesis

Ngày đăng 15/05/2020
Biên tập Biên tập:

Trước thềm năm học mới, cô Sanne Van Oort Ma – Giám đốc Chương trình Tiếng Anh ESL và Chương trình Giáo dục xanh Genesis có một lá thư gửi đến các thành viên trong cộng đồng Genesis, bao gồm cả các thầy cô giáo và mỗi gia đình.

Ban biên tập Genesis xin trích đăng:

Quý vị thân mến,

Các bài học về môi trường và sự bền vững cuối cùng cũng xuất hiện trong các lớp học trên toàn thế giới. Mặc dù vai trò trở thành chất xúc tác cho một tương lai tốt và bền vững hơn của giáo dục đã nhận được nhiều sự công nhận, nhưng việc dạy và học về “bền vững” vẫn chỉ là phần bổ sung chứ không phải trọng tâm của giáo dục.

Phát thải khí nhà kính trên toàn cầu đang dần tăng lên, hiện vào khoảng 52 tỉ tấn CO2 mỗi năm  Báo cáo về mức phát thải năm 2016 của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng kể cả khi các quốc gia thực hiện các cam kết tại Paris, thường được biết với cái tên “Đóng góp quốc gia tự quyết định” (NDCs), thì trái đất vẫn sẽ ấm lên từ 3.0 đến 3.2°C. Các biện pháp tăng cường NDCs là cần thiết phải thực hiện trong năm 2020. Các nước cần tăng tham vọng với chính khoản đóng góp tự quyết của mình lên gấp 3 lần nếu muốn đạt mục tiêu nhiệt độ tăng dưới 2°C, và tăng lên gấp 5 lần nếu muốn đạt mục tiêu 1.5°C.

Sự bền vững là một chủ đề đặc biệt quan trọng trong thế kỷ 21. Các vấn đề về môi trường trở nên nổi bật hơn bao giờ hết nhưng tính khẩn cấp của những vấn đề này gần như không tồn tại trong các môn học trên giảng đường.

Chúng ta đã thất bại trong việc tích hợp những bài học về sự đa dạng và sự đa dạng sinh học vào hệ thống giáo dục. Cuối cùng, ở hệ thống giáo dục hiện tai, không còn một sự đa dạng nào tồn tại. Sự sáng tạo và tiềm năng bị kìm hãm vào một chiếc “khuôn” phù hợp với tất cả mọi người. Hệ thống giáo dục truyền thống thực sự đang giới hạn thế hệ trẻ của chúng ta chuẩn hóa quá trình học tập. Kết quả là phần lớn chúng ta không coi trọng sự đa dạng về tài năng và đam mê của học sinh. Bên cạnh đó, để tiếp tục sinh tồn trong thế giới này, con người cần phải dựa vào kiến thức của những người khác, nhưng nền giáo dục của chúng ta lại không được xây dựng dựa trên sự hợp tác mà được dựa trên sự cạnh tranh. Nếu chúng ta muốn tăng cường nhận thức của mọi người về xã hội và sinh thái, chúng ta học cách hợp tác với nhau thật hiệu quả, đồng thời, sẻ chia và quan tâm đến cộng đồng.

Tôi không đồng ý với quan điểm rằng bản chất con người chủ yếu là cạnh tranh và mang tính cá nhân. Đây là thời điểm cho con người cùng nhau chung tay học cách làm thế nào để trở thành sự đại diện cho sự sống trên Trái Đất.

Tôi cho rằng Giáo dục cần làm tốt hơn vai trò là nguồn cảm hứng cho học sinh để các em có thể “đi theo con tim của mình” và hướng đi đó sẽ kích thích những động lực học tập nội tại của mỗi học sinh. Điều đó không xảy ra trong môi trường học tập tiêu chuẩn hiện nay bởi vì môi trường này tập trung hơn vào các việc “phải làm”. 

Mục tiêu là tập trung vào các việc học sinh “muốn làm” mà có thể thực hiện trong một môi trường cởi mở hơn khi có nhiều bên khác nhau cùng làm việc để tìm ra giải pháp cho cá chủ đề về bền vững. Ví dụ là đã có một sự thay đổi: ngày xưa, chúng ta xin vào những công việc có sẵn từng bước; hiện tại và tương lai, chúng ta có cơ hội được tự tạo ra công việc của mình. Điều đó có nghĩa là chúng ta từng có những tiêu chuẩn bắt buộc và được áp dụng giống hệt nhau trên mọi người lao động, mô hình đó đã không còn vận hành trơn tru khi cần tập trung nhiều hơn vào sự đa dạng. Tiếp tục sử dụng mô hình giáo dục cũ không còn là một lựa chọn thích hợp nữa và các điều chỉnh nhỏ là không đủ. Một sự chuyển đổi sang một khái niệm giáo dục căn bản khác là cần thiết và đồng nghĩa rằng một mô hình giáo dục mới sẽ cần được tạo điều kiện để triển khai. Tôi không tin rằng sự chuyển đổi này có thể được tiến hành với hệ thống giáo dục sẵn có của chúng ta. Sự chuyển đổi này chỉ có thể có kết quả rõ ràng khi chúng ta tạo ra không gian cho một sự thay đổi sâu sắc trong giáo dục và sự thay đổi về tư duy với cách tiếp cận giáo dục: tôn trọng hành tinh của chúng ta.

Một nền giáo dục linh hoạt là cần thiết để phát triển những cá nhân sẽ truyền cảm hứng và dẫn đầu những sự thay đổi. Với mục tiêu phát triển học sinh có khả năng tư duy phản biện với hứng thú và khả năng trở thành các thành viên có ảnh hướng tới cộng đồng, các chương trình giáo dục cần tích hợp các kiến thức học thuật với trách nhiệm xã hội và nhận thức về môi trường.

Đó là lý do tôi đến Việt Nam để giúp trường Genesis phát triển chương trình Giáo dục Xanh và Tiếng Anh như Ngôn ngữ thứ hai. Mục tiêu của chúng tôi ở Genesis là đào tạo ra những bạn trẻ có sự quan tâm tới thế giới tự nhiên xung quanh và bên trong chúng. Tôi tin vào sự kết nối giữa tự nhiên và con người, và con người thực sự cần tái kết nối với thiên nhiên. Chúng tôi phát triển những chương trình đào tạo cho chính cán bộ nhà trường và bắt đầu kết nối với những tổ chức có cùng tầm nhìn sứ mệnh để hình thành một lực lượng có thể hỗ trợ lẫn nhau trong việc phát triển một thế giới bền vững.

Tôi lớn lên tại Hà Lan, nơi mà từng tấc đất đều là thiên nhiên nhân tạo, không một nơi nào có thể thấy thế giới tự nhiên. Kể cả những “trái tim Xanh” đặt tại trung tâm khu vực đông dân nhất ở Hà Lan thực ra là một khu công nghiệp thời trung cổ, ban đầu được khai hoang để cắt lớp cỏ. Các “khu bảo tồn thiên nhiên” của chúng tôi thực ra là các “khu bảo tồn văn hóa” được tạo nên từ hoạt động của con người. Ở thế kỉ 18, Voltaire đã nói rằng: “Chúa đã tạo ra cả thế giới, chỉ trừ Hà Lan. Người Hà Lan tự tạo nên đất nước của họ.” Chúng tôi đã tự mình thiết kế và xây dựng “tự nhiên” ở Hà Lan. Việc này có ảnh hưởng rất lớn tới cách tôi nhìn vào thế giới tự nhiên và sự cấp bách trong việc chuyển đổi mô hình giáo dục để tránh điều tương tự xảy ra ở những đất nước xinh đẹp như Việt Nam. Đam mê của tôi dành cho mô hình giáo dục mới này đã đưa tôi đến Indonesia 6 năm trước và làm việc ở đó trong 5 năm với tư cách là Giám đốc đào tạo và Quản lý phát triển giáo viên ở Green School Bali. Green School là một ngôi trường không có “tường” – đây là một phép ẩn dụ rằng triết lý giảng dạy ở đây bao quát một nền giáo dục tiến bộ mà không có rào cản nào, khác với giáo dục truyền thống. Tất cả mọi thứ ở đây, từ xây dựng bằng tre nứa đến chương trình học của Green School bao gồm các hoạt động thực tế hướng tới tôn trọng thiên nhiên và thúc đẩy tư duy bền vững. Tôi đã có cơ hội làm việc với các giáo viên sẵn sàng cam kết giảng dạy học sinh về sự bền vững một cách toàn diện và lấy học sinh làm trung tâm.

Ý tưởng của Green School đại diện cho bước tiếp theo trong sự phát triển của hệ thống giáo dục đã, từ lâu, coi việc học như một quá trình một chiều. Với mục tiêu đưa tính bền vững vào hoạt động dạy học và vận hành dài hạn trong một trường học, bắt buộc phải có những sự thay đổi trong vận hành. Những sự thay đổi (xây dựng tầm nhìn mới cho nhà trường, thiết lập các hoạt động và chính sách mới, thay đổi vai trò và trách nhiệm của thành viên trong tổ chức) sẽ rất khó khăn. Câu hỏi đặt ra là: Những nguyên tắc cốt lõi trong việc tích hợp tính bền vững vào tất cả mọi khía cạnh vận hành của trường là gì?

Để có thể thành công, tính bền vững trong một trường học sẽ yêu cầu một cách tiếp cận toàn hệ thống. “Whole-School Sustainability Approach” (Phương pháp tiếp cận bền vững toàn trường) yêu cầu tất cả các cá nhân trong tổ chức phải làm việc cùng nhau – điều không thể thành hiện thực trong thời gian ngày. Hệ thống này được tổ chức theo 3 yếu tố trong nhà trường: 1. Văn hóa tổ chức, 2. Cơ sở vật chất và 3. Chương trình giáo dục. Tôi muốn rằng trường học sẽ trở thành “phòng thí nghiệm” cho sự bền vững. Trường học sẽ trở thành một nơi mà học sinh có thể thử mọi thứ, nghiên cứu, phát triển các ý tưởng sáng tạo, mắc sai lầm và tìm giải pháp cho từng trường hợp. Một hệ thống mà ở đó việc thực nghiệm và phát triển tài năng tiềm ẩn và chuyên sâu có thể phát triển dựa trên các giá trị cơ bản cho một tương lai bền vững.

Genesis sử dụng “Whole-School Sustainability Approach” (Phương pháp tiếp cận bền vững toàn trường). Học sinh học tập thông qua hàng loạt các hoạt động đa dạng và ý nghĩa, giúp cho các em giải quyết các thử thách xã hội và môi trường hiện nay. Thông qua các dự án học tập Xanh, học sinh được học nhiều điều hơn là chỉ các kiến thức học thuật. Hệ thống có thể phát triển để hướng dẫn tất cả người học tích lũy khả năng sáng tạo, sự tò mò và tình yêu dành cho việc học. Một khi đạt được điều này, trách nhiệm xã hội và nhận thức môi trường sẽ giúp phát triển thái độ chung của giáo viên, học sinh, phụ huynh và cộng đồng chung của trường. Đồng thời, thái độ chung này sẽ tạo nên các hành động bền vững.

Dưới đây là một số đặc điểm chính của chương trình tại Genesis:

  • Các nguyên tắc của sự bền vững (ví dụ như: các chu kỳ, công bằng xã hội, tôn trọng các giới hạn, tư duy hệ thống, công dân địa phương và quốc tế, kết nối lẫn nhau,…) được dạy đan xen với những chương trình có sẵn, thay vì chỉ được coi là phần bổ sung hoặc chỉ dạy trong các chương trình khoa học. 
  • Trường học là nơi mà học sinh, giáo viên và các thành viên trong cộng đồng cùng học với nhau. Dạng thức chia sẻ này sẽ tăng cường sự kết nối giữa nhà trường và cộng đồng, nâng cao nhận diện của trường. 
  • Học sinh được đặt ở vị trí trung tâm của chương trình bền vững, điều này có tầm quan trọng quyết định tới sự thành công lâu dài của chương trình và nuôi dưỡng các thế hệ lãnh đạo bền vững. 

Như Ken Robinson đã nhắc đến trong quyển “Những ngôi trường sáng tạo: Cơ sở cách mạng cho chuyển đổi Giáo dục”: “Nếu chúng ta muốn thay đổi một mô hình thất bại, chúng ta cần xem xét lại cách mà mô hình đó cần được vận hành. Chúng ta coi  giáo dục như một cỗ máy sản xuất công nghiệp, nhưng thực tế, giáo dục gần giống như nông nghiệp hữu cơ. Trong canh tác, mỗi loại cây trồng cần những những điều kiện khác nhau trong những khoảng thời gian khác nhau để có được thành phẩm tôt nhất.” 

Điều này có thể liên kết với môi trường học tập mà niềm đam mê và sự khác biệt của trẻ được tôn trọng, thay vì những yêu cầu nghiêm khắc được áp đặt trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn. Trong thực tế, điều này cần bắt đầu từ những tuyến đầu, các thầy cô cần hào hứng với những điều quan trọng với học sinh của họ. Một cái cây có thể tự lớn lên nhưng chính thầy cô là người cung cấp những điều kiện cần thiết cho sự phát triển đó.

Có hơn 60 triệu giáo viên trên thế giới (các nhà giáo dục và quản trị ở bậc phổ thông và hậu phổ thông, giáo dục đại học, và cả giáo dục không chính thức cho cả người trẻ và người trưởng thành) – và mỗi người đều là chìa khóa cho những thay đổi trong cách thức và hệ thống để đưa ra những kết quả giáo dục cho sự phát triển bền vững. Vai trò chính của các nhà giáo dục là tác nhân thay đổi. Genesis tập trung vào việc xây dựng cộng đồng nhà giáo dục với tâm huyết trong việc cải tiến giáo dục trong hoàn cảnh môi trường, xã hội và kinh tế thế giới thay đổi. Truyền cảm hứng cho giáo viên kết nối với các chủ đề về bền vững sẽ giúp thắp lên ngọn lửa đưa giáo dục Việt Nam bước vào một thời kì mới. 

Việc đào tạo giáo viên và nhân viên của Genesis tập trung vào việc đưa mọi người lại gần nhau và giúp xây dựng tình bạn giữa các giáo viên và nhân viên khác bằng cách cân bằng tâm linh, kiến thức, các hoạt động và các sự kết nối. Mọi người hào hứng với việc kết nối với các đồng nghiệp qua những cách thức ý nghĩa hơn là việc tham gia các khóa đào tạo thông thường. 

Trong nhiều năm làm việc tại Green School Bali, tôi đã phát triển một khóa học Giáo dục Xanh quốc tế độc đáo, tạo ra một mạng lưới nhà giáo dục toàn cầu được truyền cảm hứng để lan tỏa sự bền vững ra toàn thế giới. Để giải quyết các vấn đề về phát triển bền vững, các giáo viên tham gia khóa học này xây dựng động lực, đam mê và cam kết với Giáo dục cho bền vững, điều này là cần thiết cho sự thành công của việc thay đổi, ở mọi cấp độ. Đây cũng là nơi tôi gặp nhà sáng lập của trường Genesis, người muốn học thêm về cách thiết kế của chương trình Bền vững toàn trường với mục tiêu sử dụng chương trình này ở trường Genesis, Hà Nội, Việt Nam. 

Theo ý kiến của tôi, việc quan trọng nhất trong đưa ra định hướng giáo dục thế kỉ 21 cho giáo viên là đảm bảo rằng họ có thể tạo ra bước chuyển biến: “đo lường giá trị thay vì định giá những gì có thể đong đếm”. Điều này giúp giáo viên có khả năng tập trung vào việc ghi nhận, tin tưởng, hỗ trợ và động viên, có thời gian và không gian thay vì sợ hãi và chịu những áp lực lớn. 

Thời đại của thông tin và vai trò truyền thống của giáo viên như một kho kiến ​​thức toàn diện đã đi qua. Trường Genesis đang tập trung vào giáo dục toàn diện và dân chủ. Học sinh có “quyền sở hữu” nhiều hơn với việc học tập của chính các em. Học tập có ý nghĩa, hấp dẫn và có sự tham gia, thay vì dập khuôn, thụ động và đi theo những thứ có sẵn. Điều cốt lõi là chúng ta cần học được nhiều thứ từ “cách” ta được dạy hơn là những kiến thức trong đó. Việc phát triển các nguyên tắc học tập quan trọng hơn là niềm tin để chia sẻ cốt lõi về cách xây dựng những trải nghiệm học tập mạnh mẽ và có tác động. Giáo viên dẫn dắt những bài tập thực hành giáo dục thông qua chương trình giảng dạy. 

UNESCO đã xây dựng Lộ trình thực hiện Chương trình hành động toàn cầu về giáo dục vì sự phát triển bền vững. Ra mắt vào năm 2014, lộ trình này đang nỗ lực để đảm bảo rằng người học có được hiểu biết và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy sự phát triển bền vững và làm tăng sự sẵn có của các giáo viên có trình độ, đặc biệt là ở các nước kém phát triển nhất, để giải quyết những thách thức mà chúng ta phải đối mặt.

Vào tháng 9 năm 2015, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bước thêm một bước trong nỗ lực phối hợp hành động toàn cầu theo hướng bền vững. Họ đã thông qua Chương trình phát triển bền vững 2030 (trước đây gọi là Chương trình nghị sự phát triển sau 2015), từ đó tập hợp 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và 169 mục tiêu cần đạt được bắt nguồn từ đó. Các mục tiêu sẽ được thực hiện và hy vọng sẽ được hoàn thành bởi tất cả các quốc gia từ năm 2016 đến 2030. Đồng thời, chương trình nghị sự này cũng bao gồm một tập hợp các chính sách, hành động và chương trình nhằm hướng dẫn công việc của Liên hợp quốc và các nước thành viên hướng tới sự bền vững. Giáo dục cho sự phát triển bền vững (ESD) là phần không thể thiếu cho sự thành công của chương trình phát triển bền vững.

Tại trường Genesis, trong năm nay, chúng tôi tích hợp 9 trên 17 mục tiêu phát triển bền vững. Các mục tiêu này được đưa vào các môn học khác nhau trong nhà trường để học sinh có thể hiểu được mọi khía cạnh liên quan tới mục tiêu đó. Mong muốn của chúng tôi là học sinh Genesis sẽ học được những kiến thức, thông tin này để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn càng sớm càng tốt. Tiếp đó, vai trò quan trọng nhất của trường Genesis là các bạn nhỏ được nuôi dưỡng tình yêu với tự nhiên thay vì bị vì bị tách biệt khỏi đó. Con người là một phần của thiên nhiên. Nhưng trẻ em, đặc biệt là ở một thành phố lớn Hà Nội, không dành đủ thời gian cho thiên nhiên. Mục đích của chúng tôi là thông qua nghiên cứu tự nhiên và hòa mình vào tự nhiên, chúng tôi hỗ trợ các em theo hướng kết nối chặt chẽ với thiên nhiên. Đây là những gì David Sobel (nhà giáo dục và học thuật người Mỹ, chịu trách nhiệm phát triển triết lý giáo dục tại chỗ) gọi là “ecophila”. David Sobel viết về điều này trong các bài viết và cuốn sách của mình với tựa đề “Beyond Ecophobia”. Ông cho rằng nếu chúng ta muốn trẻ em phát triển, chúng ta cần cho chúng thời gian để kết nối với thiên nhiên và yêu Trái đất trước khi chúng ta yêu cầu chúng cứu nó.

Điều đó có nghĩa là trong việc thiết kế chương trình giảng dạy cho các lứa tuổi nhỏ tại Trường Genesis, chúng ta nên tập trung vào giáo dục môi trường để phát triển và bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên. Trẻ em hiện nay bị “ngắt kết nối” với thế giới bên ngoài. Đồng thời, chúng ta không thể thử và kết nối chúng với các động vật và hệ sinh thái đang bị đe dọa trên toàn cầu thông qua các phương tiện điện tử. Đây là lý do tại sao chúng tôi đang tích hợp một mô hình giáo dục môi trường có khả năng thúc đẩy các nhà giáo dục xem xét  “chương trình giáo dục môi trường phù hợp”. Điều này cũng thúc giục chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về quá trình trưởng thành của trẻ nhỏ trong khi tham gia vào “giáo dục môi trường”. Chúng tôi mong muốn chuẩn bị hành trang cho trẻ bước vào thế giới thực tế bằng cách tham gia vào thế giới đó ngay bây giờ. Học sinh tại Genesis được trao quyền để có cơ hội kiểm soát việc học tập và kinh nghiệm của chính các em. Các em không phải là người ngoài cuộc vô tư, cũng không phải là kết quả kiểm tra, con số hoặc số liệu.

Chúng ta cần “nhìn” khác đi nếu chúng ta biết và hành động khác biệt, và chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm để tạo điều kiện cho sự thay đổi quan điểm. 

Như Eileen Lento, Giám đốc Tiếp thị và Quảng cáo tại Intel Education, lập luận: ‘Để trở thành một công dân tích cực, bạn cần được học để hiểu được sự phức tạp của thế giới chúng ta đang sống. Đối phó với sự thay đổi môi trường toàn cầu không chỉ là vấn đề của chính quyền quốc gia và địa phương, đó cũng là trách nhiệm đối với các trường học, trường đại học và chính các nhà giáo dục trong rất nhiều tổ chức giáo dục hiện có trên khắp thế giới. Đào tạo và hỗ trợ giáo viên cần được đánh giá lại khi chúng ta bước vào kỷ nguyên giáo dục mới đối với Việt Nam và thế giới. 

Vì vậy, bố mẹ thân mến, hãy tới với Genesis, trò chuyện và đóng góp cùng chúng tôi để chung tay kiến tạo một cộng đồng xanh, vun đắp tương lai xanh cho các con.

Bài viết trên có tham khảo từ:

  1. https://www.weforum.org/reports/the-global-risks-report-2018
https://www.unenvironment.org/resources/emissions-gap-report-2019

2.       THE WHOLE-SCHOOL SUSTAINABILITY FRAMEWORK Guiding Principles for Integrating Sustainability Into All Aspects of a School Organization

  1. UNESCO Roadmap for Implementing the Global Action Programme on Education for Sustainable Development. United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization. 2014. [https:// sustainabledevelopment.un.org/content/documents/1674unescoroadmap.pdf]. 
  2. Sustainable Development Goals. UN. 2015. [http://www.un.org/sustainabledevelopment/education] 
  3. Robinson, Kate. 2016. The Educator Magazine. What’s in store for the next 100 years of Education. [http:// www.the-educator.org/whats-store-next-100-years-education-kate-robinson-editor-chief-hundred/]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *