Một trong những câu hỏi được đặt ra trong thế kỷ 21 chính là làm sao có thể phát triển kinh tế, chính trị, xã hội trong khi vẫn bảo vệ môi trường và các yếu tố xanh bền vững. Để giải đáp câu hỏi này, chúng ta cần bắt đầu từ việc thay đổi lối sống, thói quen của thế hệ trẻ. Và Giáo dục Xanh được coi như “viên gạch” nền tảng trong việc thay đổi tư duy, hướng đến Khởi nguyên Xanh.
Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng tiêu cực và tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá nghiêm trọng, định hướng về mặt tăng trưởng kinh tế, chính trị, xã hội ở nhiều quốc gia đã dần thay đổi. Thay vì khai thác tận cùng các nguồn tài nguyên, con người đã bắt đầu tìm hiểu và có những bước đầu trong việc điều chỉnh hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nói riêng và các hoạt động tác động tới môi trường nói chung.
Cách để thay đổi nhận thức bền vững nhất chính là bắt đầu từ giáo dục. Với khoảng thời gian hơn một thập kỷ ngồi trên ghế nhà trường, mỗi học sinh không chỉ được rèn giũa về trí tuệ mà còn phát triển nhân cách, nghị lực thông qua việc xây dựng nhận thức, hình thành thói quen, lối sống. Những điều này có thể nhìn nhận rất rõ trong chương trình giáo dục xanh.
Sống có trách nhiệm
Mỗi chúng ta đều cần có trách nhiệm với mọi hành động của mình bởi mỗi hành động không đơn thuần chỉ tác động đến bản thân mà còn có thể ảnh hưởng đến người khác và môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, nếu chỉ nói hay yêu cầu “con hãy có trách nhiệm với môi trường xung quanh nhé” thì liệu một bạn nhỏ có thực sự hiểu trách nhiệm là gì? Mình cần làm gì để được gọi là “người có trách nhiệm”?
Chính vì vậy, Giáo dục xanh tạo điều kiện để để trẻ ý thức tự lập với công việc của mình. Giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, hỗ trợ học sinh trong các giai đoạn tìm hiểu và triển khai dự án học tập. Khi đó, bản thân trẻ nhận ra được vai trò của mình trong hoạt động nhóm, trẻ cần làm gì để đảm bảo kết quả dự án của cả nhóm… Đây chính là những bước đầu tiên để trẻ hình thành lối sống có trách nhiệm sau này.
Những đứa trẻ không được hướng dẫn, hỗ trợ để hình thành lối sống có trách nhiệm có thể gặp khó khăn trong việc quản lý, giải quyết các mối quan hệ cá nhân cũng như thành công trong cuộc sống.
Nghị lực vượt khó
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một con người cứ thấy khó khăn là bỏ cuộc? Chắc chắn, con người đó sẽ chẳng bao giờ đến được với cái đích mong muốn trong cuộc sống.
Với Giáo dục Xanh, học sinh “được phép” gặp khó khăn, được phép sai, bởi đó là điều tất yếu sẽ diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của trẻ. Chính những khó khăn, những lúc có sai sót này sẽ tôi rèn cho trẻ tư duy giải quyết vấn đề, nỗ lực vượt khó để chinh phục thử thách.
Phát triển toàn diện tri thức và kỹ năng
Tri thức và kĩ năng chính là hai yếu tố quan trọng giúp con người bước đến thành công. Nếu như kiến thức giúp con người tăng thêm vốn hiểu biết về cuộc sống từ đó có thể vận dụng vào học tập cũng như công việc thì kỹ năng giúp con người thích ứng được với mọi hoàn cảnh, cũng như vận dụng chúng để xử lý những tình huống trong công việc hay cuộc sống một cách hợp lý và hiệu quả nhất.
Với chương trình học được xây dựng khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động học tập trải nghiệm, tăng cường phát triển tư duy phản biện, tư duy giải quyết tình huống thông qua các nội dung học gắn liền với cuộc sống, môi trường xung quanh, Giáo dục xanh tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện về cả tri thức và kỹ năng.
Có thể nói nhân cách, nghị lực, trí tuệ chính là nền tảng cốt lõi của một con người. Vai trò của giáo dục, đặc biệt là giáo dục Xanh chính là đặt những “viên gạch” nền móng cho sự phát triển toàn diện và thành công trong tương lai thông qua việc rèn luyện nhận thức, hình thành thói quen và lối sống.
Một ngôi nhà vững chãi là một ngôi nhà có nền móng chắc chắn. Một xã hội bền vững là một xã hội có những nhân tố xanh có tư duy hướng đến phát triển bền vững.