Học tập là một quá trình kéo dài suốt đời. Chính vì vậy, việc học không đơn thuần chỉ diễn ra trong khuôn khổ giờ học hay lớp học mà còn ở khắp mọi nơi trong cuộc sống thường ngày. Làm chủ việc học là khi mỗi cá nhân có động lực tự thân, biết tổ chức và sắp xếp việc học của chính mình.
Làm chủ việc học với học sinh Tiểu học có khó?
Học sinh Tiểu học với đặc trưng tò mò, thích tìm tòi, khám phá thì việc chủ động học tập vừa dễ lại vừa khó.
Những thông tin, sự kiện, hiện tượng hấp dẫn, thú vị sẽ kích thích sự tìm tòi ở trẻ. Khi đó, trẻ chủ động tìm hiểu xem hiện tượng ấy diễn ra ra sao, nguyên nhân thế nào và chuyện tiếp theo có thể diễn ra là gì. Tuy nhiên, trong quá trình khám phá đó, đôi khi các bạn nhỏ lại bị xao nhãng bởi những yếu tố đến từ môi trường xung quanh. Một bạn nhỏ đang say sưa đọc sách, bỗng chú mèo chạy qua, trẻ bế mèo lên chơi và đã quên mất việc mình đang làm. Đây có phải là điều bố mẹ thường thấy? Vậy thì chúng ta hãy cùng tìm giải pháp cho việc này nhé!
Xác định mục tiêu của việc tự học
Việc đầu tiên để thành công khi thực hiện mọi kế hoạch chính là xác định mục tiêu. Làm chủ việc học cũng không là ngoại lệ. Bố mẹ đừng nói với trẻ những câu như “con học những điều này sẽ tốt cho con đấy” hay “học nhiều thì sau này mới giỏi được” … Bố mẹ hãy cùng con tìm hiểu xem với mỗi môn học, mục tiêu là gì và con cần làm gì để thực hiện điều đó.
Ví dụ: Con rất muốn tự mình chọn đồ và trả tiền cho cô bán hàng thì con cần phải biết giá trị tờ tiền của con đang cầm và con cần môn Toán để thực hiện phép tính rồi, hoặc con gặp một người bạn nước ngoài, con rất thích nói chuyện với bạn ấy thì con cần học Tiếng Anh… Mục tiêu với trẻ Tiểu học càng thực tế, rõ ràng thì trẻ càng dễ hiểu và dễ thực hiện.
Xây dựng kỷ luật giờ học
Sau khi xác định mục tiêu, bố mẹ hãy cùng con thiết lập thời gian biểu trong ngày và sắp xếp khoảng thời gian cố định cho việc học. Dù trẻ có thể tiếp nhận thông tin ở bất cứ thời điểm nào trong việc sống nhưng việc xây dựng thời gian biểu cho việc học giúp trẻ hình thành thói quen học tập. Bố mẹ lưu ý, thời gian biểu được đưa ra cần có sự trao đổi và đồng thuận với trẻ. Bởi chỉ khi trẻ hiểu mục đích, ý nghĩa của công việc cần làm, trẻ mới có thể nghiêm túc thực hiện việc đó.
Cùng con hệ thống lại kiến thức
Đối với trẻ Tiểu học, làm chủ việc học nghe tưởng chừng to tát lại xuất phát từ những thói quen nhỏ hàng ngày và rất cần sự đồng hành của bố mẹ. Cuối mỗi ngày học hay mỗi đơn vị bài học, bố mẹ hãy hỏi con đã học gì trong ngày hôm nay, trong bài này…Cùng với thời gian, việc đồng hành của bố mẹ sẽ thay đổi. Thay vì đặt cho con rất nhiều câu hỏi nhỏ về bài học, bố mẹ có thể đặt những câu hỏi lớn, mang tính chất tổng hợp để con chủ động chia sẻ thông tin. Nếu con có thể tóm tắt lại bằng ngôn ngữ của mình những gì đã được học một cách hào hứng thì là con đã hiểu bài và có hứng thú với nội dung học.Việc sắp xếp lại các thông tin khi con trò chuyện với bố mẹ cũng chính là một quá trình ghi nhớ, xử lý kiến thức thành tri thức của bản thân.
Tại Genesis, các thầy cô luôn phối hợp cùng với gia đình để hỗ trợ các bạn nhỏ hình thành khả năng tự học ngay từ những tháng ngày đầu tiên ngồi trên ghế nhà trường. Trong clip dưới đây, bạn Ngọc Diệp đã hào hứng tóm tắt lại nội dung kiến thức được học theo cách không thể đơn giản hơn mà vẫn vô cùng chính xác. Bố mẹ cùng theo dõi để đoán xem Ngọc Diệp đang chia sẻ về chủ đề học gì nhé!